KẾ HOẠCH TÌM HIỂU BẢN THÂN – OUTPUT CHO BUỔI SÁNG AN LÀNH

Bài viết này chỉ là những điều bản thân được học, được rèn luyện và những điều được nhận ra sau khi cùng team chia sẻ. Không có đúng hoặc sai chỉ là tụi mình đang đi theo những phương pháp của những người thành công. Bạn có thể áp dụng hoặc không tùy vào sự lựa chọn của bạn. Nhưng đối với mình, mình có một niềm tin cho mình năng lượng để vực dậy đi tiếp trong những phút giây chán nản và tuyệt vọng là “nếu bản thân phát triển thì cuộc đời sẽ phát triển”.

Mình khá may mắn có cơ hội tiếp xúc với khóa học phát triển bản thân tại Nhật, khóa học phát triển tiềm năng con người, tiếp xúc với nhiều người thành công đến từ các ngành nghề khác nhau. Điều mà mình nghe được nhiều nhất từ họ là rõ ràng về những mục đích và mục tiêu cho chính bản thân. Ước muốn của họ ngày càng được nhân rộng hơn.

Rồi gần đây khi học về Coaching, tiếp xúc với nhiều người, mình thấy hình ảnh của mình trước đây. Khi chưa biết đến nó, khi ai hỏi mình? Mục tiêu của bạn là gì? Thì câu trả lời của mình trước đây: Nào thì học tiếng Anh, tập thể dục, nâng cao chuyên môn hay phát triển kỹ năng. Và mình cũng nhận ra trong hầu như tất cả mọi người, dù nói thành lời hay không nói lời, đều có một mục tiêu nào đấy cho mình. Tuy nhiên, đa phần thất bại trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Nói thì dễ, làm mới khó. Tại sao vậy?

Vấn đề nằm ngay ở bước bản thân của chính mỗi người không biết mục đích thật sự mình muốn gì mà đi đặt ngay mục tiêu. Tức hầu hết đặt mục tiêu đi trước mục đích. Chuyện đặt mục tiêu phát triển thì ai cũng có thể làm nhưng làm sao cho chuẩn thì không mấy người thực hiện được. Bản thân mình trước đây gặp sai lầm khi đặt mục tiêu một cách tùy hứng, không theo một logic nào cả. Kết quả, cũng không khó đoán, là thất bại!!!

Tuy nhiên, sáng hôm nay sau khi chia sẻ với các bạn trong team, mình sẽ càng thấm thía và nhận ra vài điều thú vị cùng chia sẻ với các bạn về cách tạo một kế hoạch phát triển bản thân. Với những công cụ dưới đây, mình tin rằng xác suất đạt được mục tiêu của bạn sẽ tăng lên. Còn tăng bao nhiêu thì còn tùy khả năng ứng dụng của bạn đến như nào. Bắt đầu nhé!

Để cho việc đặt mục tiêu có hiệu quả, việc bạn tham gia những hoạt động dưới đây là vô cùng quan trọng. Đây là những bước mà cả team mình đang tiến hành và hoạt động. Nếu bạn chỉ đọc nhưng không thực hành thì sẽ không bao giờ có được một kế hoạch tử tế cho mình.

1. Dành thời gian tạo ra vision board của bản thân. Tưởng tượng con người bạn muốn trở thành

Trước khi có thể xác định bản thân mình cần phát triển gì thì phải biết mình muốn trở thành con người như nào trước đã. Theo công thức BE – DO – HAVE. Cách dễ nhất là tưởng tượng con người muốn trở thành theo vòng tròn bánh xe cuộc đời gồm có 8 yếu tố cân bằng. Ngoài ra, việc tưởng tượng rõ nét bức tranh thành công sẽ tiếp thêm động lực để các bạn đi tiếp các bước tiếp theo. Tùy vào thời điểm đạt mục tiêu của bạn mà sẽ có sự khác nhau. Nếu bạn đặt mục tiêu 5 năm thì hãy tưởng tượng con người sau 5 năm, nếu sau 5 tháng thì tưởng tượng con người sau 5 tháng. Không có một “con số chuẩn” cho việc nên đặt mục tiêu xa bao nhiêu. Đó là tùy thuộc vào điều kiện mỗi người.

Hoạt động 1:

Bạn hãy ngồi vào một không gian yên tĩnh, không có nhân tố gây mất tập trung. Lấy ra một cuốn sổ và một cây bút, sau đó đặt bút mô tả con người mà bạn muốn trở thành. Hãy mô tả càng chi tiết càng tốt, dùng tất cả giác quan của bạn để cảm nhận con người bạn muốn trở thành theo hình bên dưới:

  • Bức tranh thành công của bạn trông ra sao?
  • Sức khỏe của bạn thế nào?
  • Người ở cùng với bạn là ai?
  • Bạn muốn làm việc với những người như thế nào?
  • Bạn muốn phát triển thêm những kĩ năng gì cho bản thân?
  • Bạn làm công việc gì
  • Thu nhập bạn ra sao?
  • Mỗi ngày của bạn trôi qua như nào?

Đoạn nhạc êm dịu dưới đây sẽ giúp bạn thả lỏng cơ thể để tập trung suy nghĩ tốt hơn đó!

Hãy mô tả tất cả những gì bạn muốn, sẽ không có giới hạn nào cho ước mơ của mỗi cá nhân.

Tốt lắm! Bạn đã sẵn sàng để qua bước thứ hai.

2. Tìm ra giá trị cá nhân của mình. Chọn cho mình những thứ có giá trị nhất.

Giá trị cá nhân chính là những điều mà mỗi người chúng ta cho rằng là quan trọng, là ưu tiên cao nhất của chúng ta trong cuộc sống. Giá trị cá nhân chính là nền tảng, là kim chỉ nam cho chúng ta, và nó dẫn dắt mọi hành động và lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống này. Và thứ tự các giá trị cá nhân sẽ thay đổi tùy theo từng thời điểm chứ bản chất của giá trị nó không thay đổi.

Có rất nhiều nhân tố góp phần giúp bạn trở thành con người bạn hằng mong muốn. Tuy nhiên, sẽ có một số nhân tố nhất định đóng vai trò quyết định quan trọng hơn cả. Theo quy tắc Pareto, có 20% nhân tố quyết định đến 80% kết quả cuối cùng. Nhiệm vụ của bạn là đi tìm 20% những nhân tố quan trọng đó.

Hoạt động 2:

Bạn hãy nhìn lại mô tả con người bạn mong ước ở Hoạt động 1, đọc lướt qua trong vòng 30 giây. Sau đó viết tất cả những nhân tố có thể giúp bạn trở thành con người đó. Ở bước này các bạn không nên quá bận tâm tính khả thi, hãy ghi ra nhiều ý nhất có thể. Cố gắng ghi ra tầm 15 mục nhé. Những nhân tố đó có thể thuộc hạng mục sau đây:

  • Thái độ
  • Kỹ năng
  • Kiến thức
  • Tư duy cần có là gì?

Sau đó hãy lọc lại 20% nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu thấy khó thì có thể lọc 50%, sau đó so sánh trong 50% và loại dần xuống đến khi chỉ còn 20%. Thật ra bạn không cần chính xác 20%, trong khoảng 20% đến 30% là được. Tiếp đến ghi lại những danh sách mà bạn đã lọc ra vào một trang giấy mới, nhớ chừa ít nhất 3 dòng cho mỗi nhân tố nhé. Đây đồng thời chính là những mục tiêu phát triển của bạn.

Đối với kế hoạch phát triển dài hạn thì danh sách của bạn có thể chứa 3 mục tiêu trở lên. Tuy vậy, đối với kế hoạch phát triển ngắn hạn thì mình khuyên nên chỉ để tối đa 3 mục. Nhiều mục tiêu quá sẽ dẫn đến phân tán nguồn lực. Có câu: “Người có quá nhiều mục tiêu thì coi như không có mục tiêu nào cả!”

Tuyệt vời! Bạn đã đi được nửa hành trình rồi đấy.

3. Xác định con đường đến mục tiêu

Bạn đã có những mục tiêu phát triển được viết gọn gàng trên giấy. Điều cần làm bây giờ chính là tìm cách để bạn có thể đạt được những mục tiêu bạn muốn đó. Ở bước này, bạn sẽ vào dùng đến sự hỗ trợ của Google Search, cũng như những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn đã chọn để biết được phương pháp học tốt nhất.

Mình sẽ chia sẻ một số phương tiện mà bạn có thể dùng để nâng cao kiến thức, kĩ năng, tư duy của bản thân.

3.1 Sách

Đây là ứng cử viên phổ biến nhất để nâng cao trình độ. Hầu như tất cả chủ đề bạn phát triển, từ chuyên môn đến kỹ năng đều có thể tìm thấy ở sách. Hãy chủ động tìm kiếm những cuốn sách có chủ đề liên quan, bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh trên Google. Tuy nhiên, sách có khi chỉ đóng vai trò giới thiệu chung và hệ thống hóa kiến thức mà thôi.

 Một điều nữa, sách đọc nhiều dễ gây chán và buồn ngủ những người không thích đọc, như mình chẳng hạn. Nên phương tiện sau đây có thể là cứu tinh.

3.2 Khóa học

Mình đang muốn nói đến những khóa học online tiện lợi. Ở thời đại số này, học không có nghĩa là phải đọc thật nhiều hay lên lớp thật nhiều. Học đơn giản có thể là ngồi ở nhà thoải mái để nghe những bài giảng từ những chuyên gia hàng đầu trên thế giới.

Như tụi mình đang học khóa học của một trường Basic School. Cả nhà mình có thể tham khảo theo link bên dưới:

https://www.awareness.co.jp/member/add?r=AW692344

Hoặc có thể tham gia các chương trình event của iSenpai tổ chức.

Link Page chính thức:

https://www.facebook.com/ISenpai-Talk-962378903950825/

Link Group chính thức:

https://www.facebook.com/groups/761549787557032/

Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm thêm những khóa học offline từ những chuyên gia trong các lĩnh vực nếu điều kiện cho phép.

3.3 Trải nghiệm

Có những thứ như kỹ năng hay tư duy, không đơn giản đọc sách là có thể thành thục được. Những tố chất này cần được rèn luyện thông qua trải nghiệm. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm những trải nghiệm cần thiết để phát triển bản thân. Đó có thể là làm việc tại CLB, công ty, tham gia cuộc thi hay đơn giản tạo một dự án cá nhân, mời thêm người làm chung.

Tuy nhiên, có một sai lầm mà các bạn chuyên học bằng trải nghiệm hay mắc phải. Sai lầm đó là làm rất nhiều nhưng không nghiệm lại. Trải nghiệm chỉ cho bạn bài học khi bạn biết mình đã làm tốt và không tốt như nào, dần dần cải thiện bản thân. Còn chỉ cắm đầu vào làm thì sẽ phát triển trên bề mặt hoặc dẫm chân tại chỗ. Do đó, hãy dành thời gian định kỳ theo ngày, tuần, tháng, hay năm để nhìn lại trải nghiệm của mình nhé.

Một lợi ích mấu chốt của trải nghiệm nữa đó là nó cung cấp chất liệu để bạn tiêu hóa lý thuyết. Chẳng hạn một bạn học về quản trị kinh doanh mà chưa bao giờ làm lãnh đạo hãy việc nhóm chưa đủ nhiều thì kiến thức sẽ khó “thấm” vào đầu. Nghe giảng có thể cảm thấy như đang nghe tiếng miên. Học lý thuyết mà không có kinh nghiệm trước đó sẽ cực kỳ thiếu hiệu quả.

3.4 Học hỏi

Đây là một cách nói của việc học từ người khác, nghĩa là học bằng cách đi hỏi hoặc quan sát từ người khác. Hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống này, đều có một ai đó đã làm được hoặc ít nhất đã trải qua nhiều thất bại. Có khi chỉ cần một cuộc gặp mặt với những người đi trước trong lĩnh vực có thể tiết kiệm cho bạn nhiều năm trời. Đặc biệt đối với những người mới, có một người có kinh nghiệm định hướng bên mình thì sẽ dễ có một hướng đi đúng đắn hơn ngay từ đầu.

Nhiều bạn hay than với mình là: “Thôi ngại lắm, mình không dám hỏi đâu”. Lúc đó hãy tự đặt cho bản thân một câu hỏi: “Bạn có ngại với bản thân mình khi bỏ đi cơ hội phát triển của mình không?”. Thật ra trong thực tế, nếu bạn hỏi thăm một cách lịch sự, tử tế thì đa phần mọi người đều cảm thấy vui vì mình “được” giúp người khác.

Có khá nhiều phương tiện để đạt mục tiêu phát triển của mình. Chắc chắn để đạt một mục tiêu nào đó, bạn cần kết hợp nhiều phương tiện khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn trước đây để học cách quản lý đội nhóm, mình đầu tiên tham khảo qua cuốn: “First-time leader”, sau đó tham khảo tiếp vài khóa học online và kết hợp 8 năm trời làm việc “sấp mặt” mới có đôi chút kỹ năng. Đọc xong phần này, bạn đã sẵn sàng đến với hoạt động tiếp theo, tìm ra con đường cho mỗi mục tiêu.

Hoạt động 3:

Hãy lật ra ngay trang giấy bạn đã ghi những mục tiêu phát triển của mình. Đối với mỗi mục tiêu, hãy ghi ra tối thiểu 3 việc làm để đạt mục tiêu, tham khảo những phương tiện ở trên. Hãy ghi cụ thể nhất có thể.

  • Bạn đọc sách, học khóa học nào?
  • Ai có thể giúp bạn đạt mục tiêu?
  • Trải nghiệm nào giúp bạn phát triển
  • Viết daily journal: Có năm mục cần ghi lại là:
    • Những điều đã làm được trong ngày
    • Ghi lại các cảm xúc trong ngày và lý do cụ thể trong từng trường hợp.
    • Cảm tạ và cảm ơn cả những điều dĩ nhiên trong cuộc sống
    • Nếu có cơ hội làm lại việc đó mình sẽ làm gì
    • Mình sẽ quyết định hành động mới nào?

Sau khi xong, bạn sẽ đến với bước quan trọng bậc nhất. Bạn cần chuyển những ý tưởng trên giấy đó thành kế hoạch hành động (Action Plan) để đảm bảo thực hiện.

4. Tiến hành lập kế hoạch hành động (Action Plan)

Để kiểm tra kế hoạch của bạn có chuẩn chưa một lần nữa thì bạn có thể dùng mô hình SMART. Dựa theo 5 tiêu chí để đánh giá:

Specific: Cụ thể đến mức có thể hình dung được

Measurable: Đo lường được mức độ hoàn thành

Attainable: Có thể thực hiện được, hạn chế trường hợp “con mắt to hơn cái bụng”

Relevant: Việc bạn làm đều đóng góp vào mục tiêu lớn của bạn

Time-bound: Có thời gian cụ thể cho mỗi mục tiêu và hành động

5. Những điều không nên làm để đạt mục tiêu

5.1 Đi một mình

Chúng ta đều có những lúc thiếu kỷ luật với bản thân. Chẳng hạn như muốn đọc sách nhưng lại lang thang trên Youtube đến cả giờ đồng hồ. Đừng ngần ngại rủ thêm một người bạn thân làm chung với mình. Hai người cùng làm sẽ có thể nhắc nhở và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Theo quan sát của mình, những người đặt mục tiêu không có người giám sát thông thường làm được một chút rồi bỏ quên luôn.

5.2 Giấu kế hoạch đi

Mình đã thấy những bạn làm một kế hoạch đẹp tuyệt vời trên sheet và … không bao giờ mở lên lần thứ hai. Để cho bản thân luôn nhớ đến mục tiêu thì bạn nên để mục tiêu ở một nơi dễ thấy. Có thể dán sticker trên trường trước bàn làm việc, để màn hình nền, ghim tab trên Chrome. Tóm lại, hãy để mục tiêu ở trong tầm mắt của bạn nhé.

5.3 Bám quá “chặt” kế hoạch

Nói về tương lai, có một điều chắc chắn là: “Không có gì là chắc chắn”. Do đó, trong quá trình thực hiện kế hoạch sẽ có nhiều trục trặc, khó khăn là chuyện bình thường. Nếu bạn cứ tiếp tục làm mà không có sự chỉnh sửa mục tiêu, phương pháp cho phù hợp thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả, chán nản và cuối cùng là bỏ cuộc giữa đường.

Hãy đặt cho mình một khung thời gian cụ thể, đừng nói chung chung là “sẽ”, để nhìn lại (review) tiến độ. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với mục tiêu hiện tại, đừng gò ép bản thân vào một deadline đã định sẵn vào “3 tháng trước”. Từ khóa ở đây là: “Điều chỉnh, điều chỉnh và điều chỉnh”. Dĩ nhiên, khi điều chỉnh nhớ tự hỏi: “Có thực sự phải điều chỉnh hay không?”.

Chúc các bạn thành công !

Leave a comment

KAORINGUYEN.LAND © 2024. All Rights Reserved.