BẠN VỪA NỔI NÓNG Ở CÔNG TY – LÀM SAO ĐỂ KIỂM SOÁT?


Phải thừa nhận rằng, áp lực đi làm không hề nhỏ. Cho dù nó bắt nguồn từ sếp, đồng nghiệp, hay khối lượng công việc…, rất có thể môt ngày nào đó, bạn sẽ mất bình tĩnh và “nổi điên” ở công ty. Không may là, những khoảnh khắc tiêu cực sẽ để lại trong tâm trí bạn và người khác ấn tượng khó phai hơn những kỉ niệm đẹp. Chính vì thế, bài viết hôm nay sẽ chia sẻ một số cách giúp bạn “hồi phục” sau trải nghiệm không mấy tốt đẹp này:


1. THẲNG THẮN ĐỐI DIỆN VỚI BẢN THÂN MÌNH


Bước đầu tiên cần làm là nhìn nhận một cách trung thực về bản thân bạn. Bạn hiếm khi mất bình tĩnh như vậy, hay đây là việc thường xuyên xảy ra? Nếu nổi nóng không phải thói quen của bạn, thì chỉ cần một lời xin lỗi chân thành là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên mất bình tĩnh, thì để khiến bạn khôi phục hình ảnh bản thân sẽ khó khăn hơn nhiều.


2. Xin lỗi


Việc tiếp theo bạn nên làm là nói lời xin lỗi. Tốt nhất là bạn nên xin lỗi ngay lập tức, để lâu sẽ càng khiến đối phương tức giận và thảo luận việc này với các đồng nghiệp khác.


Theo nghiên cứu, một lời xin lỗi hiệu quả bao gồm 6 thành tố:

Bày tỏ sự ân hận.

Giải thích về lỗi lầm của bạn.

Nhận trách nhiệm.

Hối lỗi.

Đề nghị sửa chữa.

Xin tha thứ.


Trong đó, yếu tố quan trọng nhất của lời xin lỗi là “nhận trách nhiệm”. Do đó, nếu bạn thật sự nóng giận và thiếu kiềm chế, hãy thừa nhận. Đừng đổ lỗi, không viện cớ, hãy thẳng thắn thừa nhận hành động của mình là sai.
Yếu tố quan trọng thứ haiđề nghị sửa sai. Nếu bạn nổi nóng với một đồng nghiệp ngay trước mặt tất cả mọi người, hãy xin lỗi họ, và xin lỗi một lần nữa tại buổi họp tiếp theo trước sự chứng kiến của mọi người.
Hoặc bạn có thể thực hiện một số hoạt động để tránh lặp lại tình huống này trong tương lai. Ví dụ, nếu bạn thật sự gặp vấn đề trong việc kiềm chế bình tĩnh, thì bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia khai vấn, để họ lập ra chiến lược rõ ràng cho bạn. Sau đó, hãy đảm bảo rằng mình sẽ thực hiện theo. Bởi vì cho đến cuối cùng, nếu bạn cứ lặp đi lặp lại sai lầm của mình, thì lời xin lỗi của bạn sẽ trở thành vô nghĩa.


3. Tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn nổi cáu


Để hạn chế trường hợp bạn “bùng nổ” trong tương lai, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân thật sự. Liệu bạn có cần tìm một công việc khác tốt hơn giúp bạn giảm stress? Bạn thường công kích người khác khi bạn cảm thấy bị tổn thương hoặc bị chỉ trích? Bạn có không thích đồng nghiệp nào ở công ty? Liệu có vấn đề cá nhân nào ảnh hưởng đến công việc của bạn? Một khi đã tìm ra nguyên nhân, thì mới hi vọng tìm ra cách giải quyết.


4. Hãy nhất quán


Nếu muốn người khác thay đổi cái nhìn về bạn, bạn cần thể hiện sự ổn định về mặt cảm xúc. Bởi vì bản thân chúng ta dễ định kiến, nên nếu bạn bị coi là một người nóng tính, thì mọi người sẽ chỉ nhớ MỘT L ẦN bạn quát mắng đồng nghiệp nơi công sở mà quên hết việc bạn luôn bình tĩnh và vui vẻ ở tất cả những cuộc họp còn lại.


5. Tập trung vào các mối quan hệ


Nếu bạn xây dựng những mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, thì họ sẽ nhận ra rất nhiều phần trong tính cách của bạn, và có thể dễ dàng tha thứ khi bạn mắc lỗi. Vì vậy, bạn nên cư xử hòa nhã, thân thiện với mọi người. Giống như Socrate đã nói: “Cách tốt nhất để có một hình ảnh đẹp là cố gắng trở thành người mà bạn mong muốn trở thành”. Có nghĩa là sau khi nổi nóng, việc bạn cần làm không phải là thay đổi CÁCH NGHĨ CỦA NGƯỜI KHÁC VỀ BẠN, mà là thay đổi BẢN TH ÂN BẠN, khiến cho danh tiếng bạn đạt được phản ánh chính con người bạn.


6. Kiên nhẫn


Cuối cùng, hãy kiên nhẫn. Bạn có thể cho qua tình huống này một cách nhanh chóng, nhưng người khác thì không. Chính vì vậy, cho dù bạn cố gắng cư xử tốt đẹp trong hàng tuần, thì hãy nhớ rằng, cần nhiều thời gian để mọi người tin rằng bạn thật sự thay đổi. Sự thật là, khôi phục lại hình ảnh sau khi bạn mất kiềm chế là một thách thức. Mặc dù thay đổi cách người khác nhìn nhận về bạn rất khó khăn, nhưng bằng sự nhất quán, tập trung và kiên nhẫn, bạn nhất định có thể làm được.


Chúc cả nhà có ngày cuối tuần vui vẻ cùng tháng 8 rực rỡ nhé.
Tokyo 2020.08.01

Leave a comment

KAORINGUYEN.LAND © 2024. All Rights Reserved.