SỐNG THIỀN

Một chia sẻ giản dị và sâu sắc từ anh P, viết lại ra đây cho chính mình đọc đi đọc lại và suy ngẫm về Thiền!

Quá trình thiền hành của mình từ trước đến nay có thể tạm chia làm 3 giai đoạn: Mê thiền – Nói thiền – Sống thiền.

Giai đoạn mê thiền thì mới nghe nói, mới thấy mọi người kể về thiền có lợi này, lợi kia nên mê. Chưa thấy, chưa biết mà mê nên còn mông muội, cũng được gọi là mê tín, mê lầm, mê thiếu hiểu biết.

Giai đoạn hai thì đã tạm hiểu ra vấn đề nhưng còn thiếu tự tin, thích được nói đến nên đi đâu, ngồi đâu cũng nói về thiền. Thích giảng giải triết lý, dùng ngôn ngữ thiền, trích dẫn sách thiền để nói về thiền nhưng bản thân còn chưa lĩnh hội được sâu sắc vấn đề. Sau này nhìn lại thì giai đoạn này mình vì thiếu tự tin, nên cần chứng tỏ. Vì không có nên cần thuyết để mọi người cho là có.

Đến giai đoạn ba, mình hiểu ra rằng việc nói về thiền không làm mình trở nên tốt hơn. Mình có thể giảng thao thao bất tuyệt về cách trồng táo nhưng không có nghĩa là mình có khả năng vun trồng ra một vườn táo. Thuộc làu kinh sách, thao thao bất tuyệt không có nghĩa là mình đã có thực nghiệm. Con đường duy nhất khiến bản thân mình tốt hơn là hãy thực học, thực hành mỗi ngày. Giai đoạn này mình tạm gọi là sống thiền. Nghĩa là đưa những điều mình hiểu biết, chiêm nghiệm vào thực chứng mỗi ngày.

Phải mất rất nhiều thời gian để mình có thể thực chứng một điều gì đó. Bởi để thực chứng còn phải cần hoàn cảnh nữa.

Ví dụ có khi mình nghĩ là mình đã bớt được sân si. Nhưng ấy là ở những lúc chẳng ai chọc giận mình, chưa chạm đến tự ái cao của mình, mới chỉ là việc nhỏ. Phải đợi đến hoàn cảnh ai đó trêu tức mình lắm, nói xấu mình lắm, nói ngược hẳn với niềm tin của mình … có khi lúc ấy mình vẫn còn cục tức nổi lên. Lúc ấy mới biết là sân si trong mình vẫn còn. Lúc ấy thấy sự học, sự hành của mình còn rất xa.

Dần dần, thay vì bực tức với hoàn cảnh, mình cảm ơn hoàn cảnh vì nhờ hoàn cảnh mà mình có cơ hội rèn luyện. Giống như lực sĩ phải cảm ơn quả tạ mình đẩy mỗi ngày. Không có quả tạ sẽ không có lực sĩ.

Mình hiểu rằng hoàn cảnh, nghịch cảnh ở đó như một tấm gương để cho thấy mình còn lấm lem. Cũng nhờ soi vào gương mà mình mới biết nơi nào còn lấm lem mà gột rửa.

Vậy thì mình nên cảm ơn tấm gương chứ không phải tìm cách đập vỡ tấm gương vì tấm gương đã làm hiện lên những lấm lem trên mặt mình. Tấm gương có thể biến mất, mình có thể tạm vui với ảo ảnh nhưng vết lấm lem thì vẫn ở đó.

Khi thực sự sống thiền và có sự thực chứng thì có nhiều điều hay lắm. Giống như bạn đã thực sự vun trồng được một vườn táo dù bạn không phải là chuyên gia về táo.

Ai hỏi gì có khi bạn không biết thuyết giảng nhưng bạn sẽ mời người ta về với vườn táo của bạn. Mọi người chỉ cần sống với bạn, xem bạn chăm vườn táo mỗi ngày, mỗi vụ là mọi người sẽ hiểu trồng táo là thế nào. Làm thế nào để có những trái táo ngọt. Không cần quá nhiều ngôn từ. Bởi sự cảm nhận vượt lên trên ngôn từ.

Cũng có khi có người đi qua nói bạn không biết trồng táo. Cũng chẳng sao, đến mùa đến vụ táo vẫn đơm hoa kết quả. Hay có người lại nói đây không phải là vườn táo. Cũng chẳng quan trọng, vườn táo vẫn ở đó. Cũng giống như nếu ai đó nói hôm nay không có trăng thì mặt trăng vẫn ở đó, mặt trăng không biến mất. Niềm vui của bạn đến từ mặt trăng hay đến từ miệng người nói không trăng?

Khi bạn đã thực sự có vườn táo của riêng mình, niềm vui của bạn đến từ những trái táo thơm ngon chứ không phải đến từ những lời người qua đường.

Tokyo 2020.06.23

Leave a comment

KAORINGUYEN.LAND © 2024. All Rights Reserved.